Trong những năm gần đây, Đông Nam Á đã trở thành một điểm nóng của các hoạt động tội phạm có tổ chức, đặc biệt là đường dây lừa đảo trực tuyến, chủ yếu do các băng nhóm có tổ chức Trung Quốc cầm đầu. Nhiều người bị dụ dỗ, cưỡng bức đến làm việc tại các trung tâm lừa đảo ở Miến Điện, Cam Bốt, để đi lừa đảo những người cả tin khác, bằng những thủ đoạn công nghệ tinh vi. Hồi đầu tháng 1/2025, một vụ việc gây chấn động dư luận Trung Quốc và khu vực liên quan đến nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh Việt (Wang Xing). Theo truyền thông Trung Quốc, Vương Tinh Việt rời khỏi Trung Quốc đến Thái Lan theo một lời mời tham gia quay phim. Tuy nhiên, sau đó anh mất tích tại Mae Sot, một thị trấn biên giới giữa Thái Lan và Miến Điện.Sau khi điều tra, cảnh sát Thái Lan xác nhận rằng nam diễn viên Trung Quốc này là nạn nhân của một đường dây buôn người. Trong một video do truyền thông Trung Quốc đăng tải, anh cáo buộc một nhóm đàn ông có vũ trang đã bắt cóc anh, đưa anh đến biên giới Miến Điện và giam giữ anh trong một tòa nhà cùng với nhiều nạn nhân khác mang quốc tịch khác nhau.Vụ việc của Vương Tinh Việt đã gây xôn xao công luận tại Trung Quốc, một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng buôn người và cưỡng bức lao động tại các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á. Đáp lại, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường trấn áp các tổ chức lừa đảo xuyên biên giới.Ngày 16/01/2025, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á phối hợp mạnh tay để đối phó với tội phạm lừa đảo qua mạng. Trong một cuộc họp tại Côn Minh (Trung Quốc), quan chức từ các nước Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Việt Nam đã nhất trí triệt phá các trung tâm lừa đảo trực tuyến, phối hợp bắt giữ các đối tượng cầm đầu, giải cứu và hồi hương các nạn nhân bị lừa sang nước ngoài.Đọc thêmThái Lan cắt điện nhiều khu vực tại Miến Điện để ngăn nạn lừa đảo qua mạngMột báo cáo của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng hàng trăm nghìn người đã bị các băng nhóm tội phạm dụ dỗ và buộc phải làm việc tại các trung tâm lừa đảo và hoạt động trực tuyến bất hợp pháp trên khắp Đông Nam Á. Một báo cáo năm 2023 của Liên Hiệp Quốc ước tính các hoạt động phát triển nhanh chóng này tạo ra hàng tỷ đô la mỗi năm.Tại Việt Nam, nhiều vụ lừa đảo dụ dỗ người lao động ra nước ngoài đã được truyền thông trong nước phản ánh. Đặc biệt, các nhóm tội phạm thường lợi dụng tâm lý muốn tìm « việc nhẹ lương cao » để đưa người sang Cam Bốt, Philippines, Thái Lan, nơi họ bị ép buộc làm việc trong các đường dây lừa đảo trực tuyến được cho là do tội phạm Trung Quốc điều hành.Nhiều nạn nhân cho biết họ bị giam giữ, phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và nếu không tuân theo, họ có thể bị hành hạ, tra tấn tàn bạo.Năm 2022, công luận rất chú ý tới vụ 40 người Việt tháo chạy khỏi sòng bạc (casino) ở Cam Bốt, bơi qua sông Bình Di để về Việt Nam. Vụ việc phơi bày thực trạng buôn người và cưỡng bức lao động trong các tổ chức tội phạm xuyên biên giới. Theo báo chí trong nước, hồi tháng Một vừa qua, cảnh sát Việt Nam cũng đã bắt giữ hai phụ nữ Việt, chuyên dụ dỗ lừ các nạn nhân sang Cam Bốt làm việc tại các công ty trái phép.RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn bà Sharlene Chen, giám đốc nghiên cứu tại tổ chức Humanity Research Consultancy (HRC), một công ty tư vấn có trụ sở tại Anh Quốc, chuyên về đào tạo, nghiên cứu và vận động chính sách chống chế độ nô lệ hiện đại và nạn buôn người. HRC hợp tác với các chính phủ, đại sứ quán, các tổ chức tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để giải quyết các vấn đề như lao động cưỡng bức, vi phạm quyền lao động và lừa đảo trực tuyến.Xin cảm ơn bà Sharlène Chen đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt. Trước tiên bà có thể cho biết tại sao khu vực Đông Nam Á, gần đây lại được coi là điểm nóng, trung tâm của ...