“Thuở ấy, chưa có gì được sinh ra, thế gian còn hỗn độn. Thế rồi trời đất phân đôi, mặt trăng mặt trời được sinh ra, và Con người xuất hiện. Họ đã phải đấu tranh cho vùng đất của mình, với sự giúp đỡ của Đức Phật”. Vở kịch Ngày xưa bắt đầu như vậy, theo lời dẫn nhập của người kể chuyện, tại nhà hát của trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin, tại Hà Nội, ngày 22/09/2024. Thế nhưng đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp gốc Việt và Pháp đã giới thiệu câu chuyện theo cách nhìn độc đáo, kết hợp sân khấu truyền thống với kịch hiện đại, thêm những yếu tố hài hước "nhằm mục đích giao thoa hai nền văn hóa thông qua ngôn ngữ, truyền thống âm nhạc và thẩm mỹ quan của họ”.Nhóm nghệ sĩ ATH đã chuyển thể thành sân khấu ba sự tích dân gian Thần trụ trời, Con rồng cháu tiên và Sự tích trầu cau được trích từ cuốn Đầm Nhất Dạ và các truyền thuyết khác của Việt Nam của nhà văn Trần Huy Minh. Cả ba câu chuyện mang đậm tính truyền thuyết và có một điểm chung nổi bật : sự kết hợp giữa trí tưởng tượng, chủ nghĩa siêu thực và hiện thực. Trả lời RFI Tiếng Việt, đạo diễn người Pháp Quentin Delorme, người sáng lập xưởng ATH (Atelier théâtre de Hanoi - Drama and Arts Space), giải thích về lựa chọn này :"Khi mới đến Việt Nam (cách đây 15 năm), tôi rất quan tâm đến truyện cổ tích và thần thoại Việt Nam. Điều đầu tiên mà tôi thấy và đến giờ vẫn ám ảnh tâm trí là làm nghệ thuật như thế nào để nghệ thuật phổ cập hơn một chút. Khi đọc những câu chuyện đó, tôi từng bước khám phá thế giới đó, đồng thời so sánh với truyện cổ tích ở những nước khác. Ví dụ truyện đầu tiên - Thần Trụ trời - trong vở kịch, nói về Trái đất được hình thành như thế nào. Tôi rất ấn tượng : Làm thế nào mà cùng lúc, ở những nơi khác nhau trên thế giới, người ta lại tưởng tượng ra được gần như giống nhau về cách trời đất được hình thành, dù từ ngữ khác nhau. Cho nên tôi rất chú ý đến việc có thể sử dụng những câu chuyện cổ tích Việt Nam như thế nào, khiến chúng được phổ biến rộng rãi hơn, tới mọi lứa tuổi, để họ thực sự thấy được tính phổ quát này vượt qua cả phạm vi Việt Nam, nói về nhân loại nói chung".Cách dẫn chuyện độc đáoBa câu chuyện riêng lẻ lần lượt được mở ra và cùng nhau cộng hưởng, được xâu chuỗi qua lời người dẫn chuyện một cách rất tự nhiên. Nhưng vai trò của người dẫn chuyện không chỉ dừng ở đó mà còn có nhiều yếu tố bất ngờ. Đạo diễn Quentin Delorme cho biết ý tưởng đằng sau lựa chọn này :"Đối với tôi, người kể chuyện thực sự quan trọng trong câu chuyện bởi vì họ là một nhân vật đặc biệt không chỉ đơn thuần là một nghệ sĩ đến kể chuyện mà song hành cùng các nghệ sĩ giúp câu chuyện trở nên sống động. Ngoài ra, tôi thực sự thích nói về “sân khấu trong sân khấu”, cũng như ý tưởng người kể chuyện, đạo diễn và người tạo ra những câu chuyện đó, mang chúng đến với khán giả, giống như một đạo diễn trau chuốt chương trình và thổi hồn cho câu chuyện. Thông qua nhân vật người kể chuyện, thực sự còn có câu chuyện về "sân khấu trong sân khấu".Một điểm gây bất ngờ khác là những phân cảnh, lên đến cao trào, bỗng nhiên quay ngoắt trở lại với thế giới hiện đại, khiến khán giả ngỡ ngàng và bật cười, nhưng cũng suy ngẫm, liên tưởng câu chuyện trong quá khứ với thực tại. Ẩn ý đằng sau điểm độc đáo này là gì ?"Theo tôi, các câu chuyện cổ tích luôn được tái tạo theo kiểu chúng ta nói rằng những câu chuyện cách đây một hoặc hai thế kỷ không còn phù hợp với ngày nay. Cho nên phải rũ bỏ tư tưởng đó, khiến chúng trở nên hợp thời hơn và hấp dẫn hơn cho các thế hệ ngày nay, giúp họ biết rằng những câu chuyện này là hiện tại, chúng đang tồn tại và nói về chúng ta. Và việc đưa tất cả những yếu tố hiện đại vào cũng nhằm để nói rằng các câu chuyện cần thời gian để tạo dựng lại và để nói trong buổi diễn rằng chúng tôi ở đây để kể ...